Ngân hàng Phương Đông dành 1.000 tỷ đồng cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo

Ngân hàng Phương Đông (OCB) vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tham gia thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông - xuân năm 2013 - 2014.

Theo đó, ngân hàng này sẽ dành 1.000 tỷ đồng cho các thương nhân vay mua tạm trữ thóc gạo. Thời gian giải ngân cho vay mua tạm trữ thóc gạo từ ngày 20/3 đến hết 30/4. Thời hạn cho vay mua tạm trữ tối đa 6 tháng, kể từ ngày 20/3 đến hết 20/9. Mức lãi suất cho vay tối đa 7% một năm theo quy định và được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% trong thời gian 4 tháng, từ ngày 20/3 đến hết 20/7. Ngoài thời gian này, lãi suất sẽ áp dụng theo quy định của OCB, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và cạnh tranh với thị trường.

Cho vay thế chấp thu mua tạm trữ lúa, gạo là một trong những chương trình liên kết tài trợ vốn được ngân hàng này rất quan tâm. Vì vậy đối với những doanh nghiệp đã được cấp hạn mức tín dụng, ngân hàng này sẽ giải ngân ngay trong tháng 3. Đối với doanh nghiệp tham gia tạm trữ chưa có hạn mức tín dụng, ngân hàng sẽ chủ động tiếp cận và xúc tiến nhanh các thủ tục xét cấp hạn mức thu mua tạm trữ, để kịp thời có đủ vốn thu mua tạm trữ theo chỉ tiêu được giao. Đến nay, ngân hàng này đã cấp hạn mức hơn 1.000 tỷ cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lúa gạo.

Theo bà Huỳnh Lê Mai - Phó tổng giám đốc OCB, đây là chương trình thể hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn thiết thực của Chính phủ, được thực hiện liên tục trong nhiều năm qua. Chương trình nhằm tạo điều kiện cho người trồng lúa tiêu thụ hết sản lượng lúa hàng hoá với giá bán có lãi, thu hồi chi phí đầu tư để tiếp tục tái sản xuất cho vụ tiếp theo, ổn định giá lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Đồng thời, chương trình giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ, để có điều kiện thu mua hàng hoá tồn trữ với chi phí thấp. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc đàm phán ký kết các đợp đồng đầu ra. Chương trình đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần tạo thế phát triển ổn định trong nông nghiệp, tạo ra các mối liên kết bền vững giữa Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và ngân hàng.

Nguồn OCB

0 nhận xét: